Phát triển Chủ_nghĩa_phúc_âm

Thế kỷ 19

Có nhiều nhóm khác nhau trong phong trào phúc âm, một số là nhân tố tích cực trong những phong trào như bãi bỏ chế độ nô lệ, cải thiện lao tù, thiết lập trại mồ côi, xây dựng bệnh viện và thành lập các cơ sở giáo dục.[11]

Năm 1846, tám trăm tín hữu Cơ Đốc đến từ mười quốc gia gặp nhau tại Luân Đôn và thành lập Liên hiệp Phúc âm (Evangelical Alliance). Họ xem đây là "một sự kiện mới trong lịch sử hội thánh, một tổ chức được thành lập nhằm bày tỏ sự hiệp nhất của các cá nhân đang sinh hoạt trong nhiều giáo hội khác nhau". Dù có đôi chút bất đồng về vấn đề nô lệ, tổ chức này là tác nhân tích cực trong việc hình thành nhiều hội đoàn phúc âm cấp quốc gia và khu vực.[12]

Ngày 5 tháng 7 năm 1865, một mục sư Giám Lý, William Booth, thành lập Christian Mission tại Luân Đôn, đến năm 1878, tổ chức này trở thành Cứu Thế Quân (Salvation Army), một tổ chức từ thiện mô phỏng hình thức tổ chức của quân đội, với nhiều đề án xã hội đang được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới.

Thế kỷ 20

Liên hiệp Phúc âm Thế giới (World Evangelical Alliance – WEA) được thành lập năm 1951 bởi các tín hữu từ 21 quốc gia, với mục tiêu kiến tạo sự hợp tác toàn cầu cho cộng đồng phúc âm.

Tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội cũng là một đặc điểm của người phúc âm hiện đại, họ nhận ra rằng thái độ co cụm để bảo vệ sự tinh tuyền của đức tin và chủ trương thoả hiệp để hội nhập đều không thích hợp, và họ chọn con đường, theo quan điểm của họ, đã được soi sáng trong Kinh Thánh, "ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian". Sự lựa chọn này được thể hiện tích cực trong các đề án xoá nạn mù chữ, nhận con nuôi, ngân hàng thực phẩm, các trung tâm chăm sóc trẻ em cũng như các cuộc vận động chống phá thai và chống việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính.

Nhiều tín hữu Kháng Cách thuộc những giáo phái chính lưu (mainline hay mainstream) tham gia vào các tổ chức đang nỗ lực đem giáo hội trở về với các giá trị căn bản của Cơ Đốc giáo, được thực hành trong thời kỳ hội thánh tiên khởi, được biết đến dưới tên Phong trào Xưng nhận (Confessing movement). Cùng lúc, Phong trào Cổ Chánh tín (Paleo-Orthodoxy),[13] với mục tiêu tương tự, hoạt động tích cực trong các giáo hội chính lưu, đặc biệt trong các giáo phái Giám Lý, kêu gọi họ trở về với cội nguồn phúc âm của mình.

Phong trào phúc âm khuyến khích tín hữu chuyên cần nghiên cứu Kinh Thánh. Nghi thức thờ phụng của họ thường được tổ chức đơn giản lập nền trên nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.

Bên trong phong trào phúc âm vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau về Kinh Thánh, giáo nghi và truyền thống giáo hội - một số không quan tâm đến những truyền thống cổ xưa nhưng tập chú vào tính nghệ thuật và sự sáng tạo. Nhưng nhìn chung, tín hữu phúc âm không tin cậy những định nghĩa về đức tin, thường thay đổi theo những biến thiên của lịch sử, nếu chúng không phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Trái với những người quan tâm đến tính hoành tráng của giáo nghi, tín hữu phúc âm chọn cho mình sự đơn sơ và giản tiện trong giáo nghi nhưng kêu gọi sự tham gia tích cực của tín hữu vào lễ thờ phượng. Trong thờ phượng, tín hữu phúc âm thường đặt trọng tâm vào sự luận giải Kinh Thánh và tham dự thánh lễ Tiệc Thánh hơn là những chi tiết cầu kỳ của giáo nghi.

Chủ nghĩa cơ yếu

Chủ nghĩa cơ yếu hay nền tảng (fundamentalism) hình thành vào đầu thế kỷ 20 như một phản ứng có tính bảo thủ bởi những tín hữu Kháng Cách theo truyền thống, nhằm đối kháng với các trào lưu tân thời (modernism) và tự do (liberalism) đang phát triển mạnh mẽ trong các giáo hội của họ. Những trào lưu này nỗ lực thay đổi các xác tín truyền thống của hội thánh sao cho phù hợp với các giá trị mới của một thế giới luôn luôn thay đổi. Vì vậy, dưới cái nhìn của người cơ yếu, thần học tự do kể trên là mối đe dọa cho đức tin và xã hội khi họ cố thoả hiệp với tư tưởng của Phong trào Khai sáng (Enlightenment) bằng cách bác bỏ những nguyên lý của cuộc Cải cách Kháng nghị.

Bắt đầu có sự tranh chấp trong vòng các giáo phái Kháng Cách, đặc biệt ở Hoa KỳCanada, giữa các nhóm Cơ yếu và Tân thời. Nhiều người cơ yếu rút lui khỏi các giáo hội và định chế chịu ảnh hưởng của tư tưởng tân thời. Những người khác quyết định ở lại và hoạt động bên trong giáo phái của mình để duy trì và phát triển đức tin truyền thống. Những người này tự gọi mình theo "tân chủ nghĩa phúc âm".

Tân chủ nghĩa phúc âm

Nhà thờ Phúc âm tại Nga

Trong thập niên 20 và 30 của thế kỷ 20, tân chủ nghĩa phúc âm (neo-evangelicalism) hay chủ nghĩa phúc âm hiện đại, đến phiên mình, là phản ứng của những người Kháng Cách truyền thống đối với chủ trương biệt lập của phong trào cơ yếu. Năm 1947, Harold Ockenga sử dụng thuật từ Tân chủ nghĩa phúc âm để phân biệt phong trào này với trào lưu cơ yếu. Lúc ấy có sự bất đồng bên trong phong trào Cơ yếu về lập trường cần có của hội thánh đối với một thế giới vô tín. Những người phúc âm khuyến khích tín hữu chọn thái độ tham gia tích cực để góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn,[14] đồng thời bày tỏ sự quan ngại đối với chủ trương "co cụm để phòng thủ" của các nhóm cơ yếu. Theo cách miêu tả của Kenneth Kantzer vào lúc ấy, lập trường cơ yếu đã trở thành "một sự phiền toái thay vì là một niềm vinh dự".[15]

Tín hữu phúc âm hiện đại xem trào lưu tân thời và tự do trong các giáo hội Kháng Cách là tự chối bỏ xác tín của mình để thoả hiệp với nhân sinh quan và các giá trị của thế gian. Mặt khác, họ cũng cho rằng việc những người cơ yếu chủ trương biệt lập và bác bỏ phong trào Phúc âm Xã hội là một thái độ cực đoan. Theo nhận xét của họ, người tân thời là người phúc âm đã đánh mất cội rễ của đức tin, và người cơ yếu là người phúc âm đã đánh mất lòng nhân ái của Chúa Cơ Đốc. Họ tin rằng phúc âm cần phải được tái khẳng định và tái công bố trong một cung cách mới. Vì vậy, xuất hiện thuật ngữ Neo – mới hoặc được làm cho mới.

Họ tìm cách tham gia vào thế giới hiện đại với thái độ tích cực, không phải để thoả hiệp – vẫn giữ mình khỏi tinh thần thế tục nhưng không tách rời khỏi thế gian – họ chọn con đường trung dung giữa khuynh hướng tân thời và khuynh hướng cơ yếung.

Ngày nay, với ảnh hưởng rộng lớn trong cộng đồng Kháng Cách, tân chủ nghĩa phúc âm được gọi ngắn gọn là chủ nghĩa phúc âm, đại diện cho những tín hữu Cơ Đốc liên kết đức tin của mình với các giá trị truyền thống của hội thánh tiên khởi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chủ_nghĩa_phúc_âm http://www.apologetics.com/default.jsp?bodycontent... http://www.beliefnet.com/story/167/story_16774_1.h... http://www.christian-thinktank.com http://books.google.com/books?vid=ISBN080282661X http://www.leaderu.com/menus/theology.html http://www.nytimes.com/2006/04/16/weekinreview/16l... http://www.ovrlnd.com/GeneralInformation/Oden_Meth... http://dictionary.reference.com/browse/Evangelical... http://lionofjudah.tribulationforces.com/ http://www.ses.edu/journal/